Vì sao Heerenveen loại nhiều tài năng trẻ nhưng giữ lại Văn Hậu? Chia tay hàng loạt tài năng trẻ, Heerenveen vẫn quyết định giữ lại Đoàn Văn Hậu dù anh chưa có nhiều đóng góp kể từ khi tới đây trong kỳ chuyển nhượng hè 2019.
Tháng 1/2020, CLB Heerenveen chia tay hàng loạt tài năng trẻ như Emil Frederiksen (Đan Mạch, 19 tuổi), Nemanja Mihajlovic (Serbia, 24 tuổi), Anders Dreyer (Đan Mạch, 21 tuổi). Cả ba cầu thủ này đều tới từ các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU), có tiềm năng nhưng đóng góp rất hạn chế cho CLB.
Quyết định loại bỏ hàng loạt tài năng trẻ cho thấy sự quyết đoán trong chính sách chuyển nhượng của Heerenveen. Vậy tại sao họ vẫn giữ Văn Hậu, cầu thủ không trẻ hơn, đóng góp không nhiều hơn cả 3 cái tên ở trên?
Đóng góp tỷ lệ nghịch với thu nhập
Thứ nhất, Heerenveen hiện mới ghi 32 bàn sau 21 trận. Hàng công kém hiệu quả là lý do họ chỉ xếp hạng 9, kém nhóm dự vòng loại cúp châu Âu 6 điểm. Cả ba cái tên bị loại ở trên và hai tân binh Joey van den Berg (Hà Lan, 34 tuổi), Runar Espejord (Na Uy, 24 tuổi) đều là những cầu thủ tuyến trên. Heerenveen đang tập trung tăng cường hỏa lực. Họ không muốn thay đổi hệ thống phòng thủ vốn vận hành ổn định. Văn Hậu dù chỉ ngồi dự bị vẫn là một thành viên của hệ thống ấy.
Thứ hai, quan trọng hơn, Văn Hậu và chân sút người Nigeria Chidera Ejuke là hai cái tên hiếm hoi không thuộc EU trong biên chế Heerenveen. Chế độ lương thưởng, kỳ vọng của đội bóng dành cho họ khác hẳn nhóm cầu thủ EU. Đóng góp của Văn Hậu phải được so sánh với đóng góp của Ejuke.
Nghịch lý xuất hiện tại đây.
Quy định sử dụng ngoại binh của Hà Lan buộc các đội bóng “trả lương tối thiểu ở mức cao cho cầu thủ nước ngoài”. Quy định này nhằm ngăn các CLB chuyển nhượng những cầu thủ chất lượng trung bình. Văn Hậu hiện nhận lương khoảng 450.000 euro/năm, nằm trong nhóm cầu thủ thu nhập cao nhất Heerenveen.
Tuy nhiên, đóng góp của anh tỷ lệ nghịch với thu nhập. Trong khi Ejuke đang là chân sút số một của đội bóng ở Eredivisie với 7 lần lập công, Văn Hậu mới ra sân 4 phút ở Cúp quốc gia.
Nhiều người nhìn thấy nghịch lý ấy ở Văn Hậu. Cựu HLV Heerenveen Gertjan Verbeek từng nói: “Tất cả người biết chuyện đều nói cậu ấy không đủ giỏi. Tuy nhiên, cậu ấy đang nhận lương 450.000 euro (mỗi năm sau thuế – PV). Toàn bộ phòng thay đồ đều biết chuyện này”.
Khoản đầu tư của Heerenveen dành cho Văn Hậu không hề nhỏ. Bản thân đội bóng cũng tỏ ra nghiêm túc trong việc sử dụng Hậu. Họ kiên quyết không trả anh về dự U23 châu Á, họ liên tục trao anh cơ hội ra sân ở đội dự bị, họ hứa hẹn anh sẽ được thi đấu và thực tế đã có màn ra mắt đội một. Từng ấy ưu ái không phải ít với một cậu bé 20 tuổi vừa chuyển tới châu Âu.
Vấn đề là những ưu ái ấy đã diễn ra liên tục suốt nửa năm qua. Văn Hậu chưa được thi đấu nghĩa là thể hiện của anh trên sân tập chưa thuyết phục được HLV, nghĩa là khoản đầu tư bỏ ra cho anh chưa thu lại xứng đáng.
Sở hữu một cầu thủ nhận lương cao nhưng đóng góp chưa nhiều, Heerenveen sẽ phải có những cân nhắc.
Nếu Văn Hậu thất bại?
Không ai muốn thấy Văn Hậu thất bại nhưng con đường phía trước đang dẫn tới cái đích ấy.
Tính từ năm 2013 tới nay, 6 tuyển thủ Việt Nam đã xuất ngoại theo những con đường khác nhau. Thành công duy nhất thuộc về thủ môn Đặng Văn Lâm, người vốn được đào tạo từ nhỏ tại Nga. 5 tài năng lớn khác gồm Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh và Đoàn Văn Hậu đều bất lực khi muốn ghi lại dấu ấn của mình. Các thương vụ của họ có nhiều đặc điểm chung.
Đó đều là các hợp đồng lẻ tẻ, tự phát, là nỗ lực riêng của từng CLB hoặc cá nhân. Các hợp đồng ấy diễn ra không theo một lộ trình nào, không nhắm tới một nền bóng đá cụ thể, phần lớn đều có tính thương mại.
Một cầu thủ dự bị như Xuân Trường vẫn được ưu ái chọn làm đại sứ tỉnh Gangwon; Công Phượng, Tuấn Anh tới Nhật Bản trong quá trình nước này quảng bá hình ảnh cho Olympic Tokyo. Họ đi tới đâu là nổi tiếng ở đó, giúp CLB tăng lượng tương tác, tiếp cận nhiều hơn tới công chúng. Trong nhiều trường hợp, các nhãn hàng đi ngược lại con đường của họ để tới Việt Nam như trường hợp của một thương hiệu bia hồi năm 2013.
Đóng góp của họ về thương mại tỷ lệ nghịch với cống hiến của họ trên sân cỏ. Tuấn Anh không đá một phút nào ở Nhật Bản, Công Vinh có gần 400 phút ở giải hạng Hai, Xuân Trường không cạnh tranh nổi dù Buriram (Thái Lan) vẫn được xem là thuộc nền bóng đá gần gũi với Việt Nam còn Công Phượng hụt hơi hoàn toàn khi tới châu Âu.
Tuy nhiên, nếu các thất bại của họ đều có thể hiểu được, thì thật quá khó để tìm một nguyên nhân hợp lý cho thất bại của Văn Hậu. Anh tới Hà Lan khi còn trẻ, được ký hợp đồng dài hạn, được CLB trả phí chuyển nhượng lớn, hưởng lương cao. Anh là cầu thủ trẻ nhất tuyển Việt Nam, có tiềm năng lớn nhất, sở hữu hình thể của một ngôi sao châu Âu. Anh đến Heerenveen trong tư thế ngẩng cao đầu, với hành trang là 2 năm rực rỡ ở châu Á, nghĩa là có mọi thứ mà một cầu thủ Việt Nam có thể nghĩ tới khi ra thế giới. Vậy mà, anh vẫn trầy trật.
Nếu một cái tên như Văn Hậu còn thất bại, cầu thủ Việt nào đủ sức thành công ngoài biên giới? Họ thực sự thiếu năng lực hay bóng đá Việt Nam đã sai ở khâu nào đó? Vấn đề là vẫn những cầu thủ ấy đã thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác, đã giúp tuyển Việt Nam đánh bại nhiều tên tuổi sừng sỏ ở châu lục.
Vậy thì thất bại của họ trong những chuyến xuất ngoại có phải lỗi của một mình họ không? Tại sao tuyển Thái Lan không thắng nổi Việt Nam 3 lần trong năm nhưng một nửa đội hình của họ sắp có mặt tại Nhật Bản?
Không trả lời được những câu hỏi ấy, bóng đá Việt Nam sẽ còn gặp khó trong việc giới thiệu các gương mặt nổi bật với thế giới.
Nguồn: internet